Nhằm giúp giáo viên trợ giảng nắm được kỹ năng giảng dạy khi đứng lớp, đem đến cho học sinh Á Châu những tiết học sôi nổi, bổ ích nhất, bậc Tiểu học IPS Trường Quốc tế Á Châu tổ chức chương trình tập huấn đầu năm cho các giáo viên trợ giảng tại hội trường cơ sở Cao Thắng ngày 13/9.
Là một hoạt động định kỳ, hàng năm cứ vào đầu năm học, giáo viên trợ giảng các cơ sở bậc Tiểu học IPS có cơ hội tiếp cận với các phương pháp giảng dạy khoa học, hiệu quả, hấp dẫn nhất được trình bày bởi các giáo viên Việt Nam và nước ngoài nhiều kinh nghiệm, có nghiệp vụ sư phạm xuất sắc tại Trường Quốc tế Á Châu.
Toàn cảnh buổi tập huấn
Chương trình tập huấn cho giáo viên bậc Tiểu học IPS năm học 2014 - 2015 tập trung vào phương pháp giảng dạy của 6 môn học cơ bản tại Trường Quốc Tế Á Châu là: Listening, English, English music, Grammar, Outside và Drama. Các giáo viên được chọn giảng dạy trong chương trình tập huấn giảng dạy năm học 2014 - 2015 lần lượt là cô Nguyễn Thị Kiều Tiên (Listening), cô Joy Erika Cabango Tan (English), thầy Lê Song Định (English music), cô Lâm Thị Minh Trang (Grammar), cô Nguyễn Thảo Thuận (Outside) và cô Lê Thị Hồng Phúc (Drama). Các giáo viên được chọn giảng dạy mẫu đều có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Trường Quốc tế Á Châu với phương pháp giảng dạy sáng tạo, lôi cuốn, tạo nên sự tương tác xuyên suốt với học sinh.
Giáo viên trợ giảng các cơ sở IPS tham gia buổi tập huấn
Điểm đặc biệt thú vị của chương trình tập huấn chính là hội trường trở thành lớp học, các môn học diễn ra như một tiết học thực tế. Ở đó, các giáo viên trợ giảng cùng nhau trở thành học trò, cùng ôn lại bài cũ, tiếp thu bài mới, phát biểu ý kiến và chơi trò chơi với giáo viên đứng lớp. Đây cũng chính là chủ trương của Ban Giám hiệu Trường Quốc tế Á Châu, vừa tạo điều kiện trao đổi học hỏi kinh nghiệm, nâng cao chuyên môn cho giáo viên trợ giảng, vừa buộc giáo viên phải đặt mình vào vị trí của học sinh để hiểu được cảm xúc, quá trình tiếp thu và mong muốn của các em ở mỗi tiết học.
Một nhóm các thầy cô trong vai học sinh, nhóm còn lại quan sát rút kinh nghiệm
Hướng đến phương pháp giảng dạy tiếng Anh hiện nay ở các nước phát triển, các giáo viên đứng lớp trong buổi tập huấn đều áp dụng phương pháp giảng dạy trực quan sinh động. Ở phương pháp này, giáo viên sử dụng các đồ dùng dạy học ngộ nghĩnh đầy sắc màu, kết hợp cùng các phương tiện truyền đạt sáng tạo theo cách “học mà chơi, chơi mà học” nhằm mục đích minh họa, bổ sung thêm cho kiến thức bài giảng. Khi được học tập trong không khí vui nhộn, hấp dẫn, chủ động vận dụng, thực hành những kiến thức vừa học, học sinh sẽ dễ dàng tiếp thu bài và nhớ bài ngay tại lớp.
Các thầy cô hào hứng tham gia tiết học
Chính vì mỗi môn học đều có những đặc trưng riêng, nên mỗi thầy cô đã mang đến cho buổi tập huấn những tiết học đầy ấn tượng. Khởi đầu với sự ngọt ngào, thân thiện, cô Nguyễn Thị Kiều Tiên đã đem đến một bài học Listening thú vị. Chia lớp học thành 2 đội A, B, thành viên của mỗi đội sẽ cùng nhau nghe từ vựng tiếng Anh, sau đó tranh tài nhanh nhạy lựa chọn hình ảnh phù hợp với từ được nghe. Tiết học của cô luôn tràn ngập tiếng cười.
Tiết Listening của cô Nguyễn Thị Kiều Tiên
Bước vào lớp với chiếc tạp dề hài hước, tiết học English của cô Joy Erika Cabango Tan kích thích thị giác với bài học về Food. Đem hình mẫu các loại đồ ăn yêu thích của học sinh như pizza, sushi, hamburger… lên lớp học, học sinh được cô dạy từ mới và luyện phát âm rất vui nhộn. Mở đầu bằng trò chơi và kết thúc tiết học cũng bằng trò chơi, cô Joy Erika Cabango Tan đã mang đến sự hào hứng, thú vị trong suốt tiết học.
Tiết học English vui nhộn của cô Joy Erika Cabango Tan
Để giúp học sinh nhớ lời bài hát nhanh chóng, thầy Lê Song Định giảng dạy môn English music sử dụng banh và bóng kết hợp cùng trò chơi dẫn dắt học sinh vào từng đoạn của bài hát. Tiết học của thầy càng tăng thêm phần vui nhộn khi giả định vòng thi The Voice, cho học sinh thi thố hát đơn và hát nhóm bài hát vừa học. Ban giám khảo là ba học sinh đại diện tiến hành chấm điểm và đưa ra những lời nhận xét dí dỏm.
“Vòng thi The Voice” trong tiết dạy English Music của thầy Lê Song Định
Sử dụng trò chơi trong giảng dạy Grammar và phương pháp dạy Outside hiệu quả là 2 tiết học vô cùng sôi động của cô Lâm Thị Minh Trang và cô Nguyễn Thảo Thuận. Trong vai người quản trò, ngay trong lớp học, giáo viên tạo ra một sân chơi tương tác giúp học sinh tích cực tham gia vào trò chơi, qua đó tiếp thu được nhiều bài học bổ ích mà không cần phải ghi chép hay học thuộc lòng.
Sử dụng trò chơi trong giảng dạy ở tiết học Grammar và Outside Class
Ấn tượng nhất là tiết học Drama của cô Lê Thị Hồng Phúc với câu chuyện về The Dentist hài hước. Là người dẫn dắt câu chuyện, cùng một lúc đóng vai bác sĩ và bệnh nhân, cô Phúc cuốn hút mọi người bởi giọng truyền cảm và cách biểu đạt cảm xúc vô cùng thú vị khi liên tục thay đổi các biểu cảm vui, buồn, giận dữ, hốt hoảng…. Càng thú vị hơn, khi cô cho học trò hóa trang và đóng vai các nhân vật trong câu chuyện. Rất nhiều lần, cả hội trường cười vang và dành cho lớp học nhiều tràng vỗ tay khen ngợi. Tại Trường Quốc tế Á Châu, tiết học Drama được giảng dạy nhằm phát huy năng khiếu diễn xuất cho học sinh, qua đó giúp các em dạn dĩ, sáng tạo và tự do biểu đạt cảm xúc của mình.
Tiết học Drama ấn tượng của cô Lê Thị Hồng Phúc
Kết thúc chương trình tập huấn đầu năm cho giáo viên trợ giảng năm học 2014 - 2015, cô Nguyễn Thị Vân Anh - Giám đốc hệ thống bậc Tiểu học IPS nhận định buổi tập huấn là cơ hội để các giáo viên chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm nhằm hoàn thiện, nâng cao năng lực chuyên môn đem đến những tiết dạy hấp dẫn, bổ ích nhất cho học sinh Á Châu. Đề cao sự sáng tạo và tâm huyết của thầy cô Trường Quốc tế Á Châu, Ban Giám hiệu nhà trường luôn mong mỏi sự tận tâm, yêu trẻ ở thầy cô, qua đó phấn đấu hơn nữa để phát triển môi trường giáo dục uy tín, chất lượng tại Trường Quốc tế Á Châu.
Cô Nguyễn Thị Vân Anh - Giám đốc hệ thống bậc Tiểu học IPS phát biểu kết thúc chương trình tập huấn
Cảm nhận giáo viên
Thầy Lê Song Định
“Chương trình tập huấn đầu năm học là một trong những hoạt động bổ ích dành cho giáo viên tại Trường Quốc tế Á Châu. Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến Ban Giám hiệu của IPS đã cho tôi cơ hội được tham dự buổi tập huấn này. Thông qua việc học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, các thầy cô có thể vận dụng, sáng tạo cho phương pháp dạy của riêng mình. Mục đích chúng ta hướng tới là sự tiếp thu của học trò và giúp các em dạn dĩ, chủ động trong học tập”.
Cô Võ Thị Ngọc Mai
“Đây là năm đầu tiên tôi được tham gia chương trình tập huấn của trường. Trong vai học sinh, tôi cảm thấy rất hào hứng với tất cả các môn học được giảng dạy. Mỗi thầy cô có cách tổ chức lớp và truyền đạt kiến thức rất thú vị và sôi nổi. Thông qua đó, tôi đã nhìn ra khuyết điểm trong phương pháp dạy của mình và tự rút kinh nghiệm cho những tiết học trên lớp về sau”.
Cô Nguyễn Thị Minh Phương
“Tôi đặc biệt ấn tượng với cách tổ chức trò chơi của các thầy cô để học sinh vừa có thể ôn lại bài cũ, vừa tiếp thu được bài mới một cách nhuần nhuyễn ngay tại lớp. Bên cạnh đó, tôi nhận thấy các thầy cô đã rất sáng tạo khi thiết kế, thu thập được các dụng cụ, mô hình minh họa cho bài giảng vô cùng phong phú. Tôi đã học hỏi được rất nhiều điều thú vị từ buổi tập huấn năm nay”.
Cô Đỗ Thị Thanh Hiền - Giám đốc chương trình quốc tế hệ thống IPS
“Chủ trương nhà trường luôn mong muốn thông qua các buổi tập huấn, giáo viên sẽ học hỏi được nghiệp vụ chuyên môn cao của các thầy cô giáo tại các cơ sở IPS. Thầy cô chính là đại diện cho nhà trường, trực tiếp kiến tạo cho học sinh môi trường học tập chất lượng mà ở đó học sinh chính là trung tâm. Các phương pháp giảng dạy mới phải được cập nhật thường xuyên nhằm giúp học sinh có kỹ năng tốt nhất đáp ứng nhu cầu xã hội hiện đại”.