- Môn Lịch sử ở Trung học phổ thông nhằm giúp học sinh: hiểu biết sâu hơn, có hệ thống về quá trình phát triển của lịch sử dân tộc từ nguồn gốc đến nay trên cơ sở nắm được những sự kiện nổi bật, những chuyển biến chính của mỗi thời kì lịch sử, những mối quan hệ của lịch sử dân tộc với tiến trình phát triển của lịch sử loài người, đặc biệt từ đầu thế kỉ XX đến nay. Nắm được sự kiện lịch sử cơ bản, tiêu biểu cho những bước phát triển chủ yếu, những chuyển biến quan trọng trong lịch sử thế giới từ thời cổ đại đến nay: chú trọng nhiều đến những sự kiện chính trị, xã hội lớn, quan trọng trong lịch sử xã hội loài người, những nền văn minh tiêu biểu, lịch sử của các nước trong khu vực và các sự kiện có ảnh hưởng lớn đến quá trình lịch sử nước ta. Hiểu biết một số nội dung cơ bản, cần thiết trong nhận thức xã hội như: kết cấu xã hội loài người, mối quan hệ giữa các yếu tố trong cơ cấu hệ thống xã hội, đặc biệt là vai trò to lớn của sản xuất (vật chất, tinh thần) trong tiến trình lịch sử, vai trò của quần chúng nhân dân và cá nhân trong lịch sử, nguyên nhân và động lực tạo ra các chuyển biến lịch sử, quy luật vận động lịch sử.
- Học sinh hình thành các kĩ năng cần thiết trong học tập bộ môn như: xem xét các sự kiện lịch sử trong các quan hệ không gian, thời gian (đồng đại, lịch đại); làm việc với sách giáo khoa, các nguồn sử liệu và phương tiện trực quan; phân tích, so sánh, tổng hợp, khái quát, vận dụng đánh giá các sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử. Hình thành năng lực phát hiện, đề xuất và giải quyết các vấn đề trong học tập lịch sử (điều tra, thu thập, xử lí thông tin, viết báo cáo ngắn, trình bày về kết quả). Tiếp tục rèn luyện năng lực tự học, tự làm giàu tri thức lịch sử qua các nguồn sử liệu khác nhau.
- Có lòng yêu quê hương, đất nước gắn liền với CNXH, lòng tự hào dân tộc, trân trọng các di sản lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Có thái độ trân trọng đối với các nền văn hóa, các dân tộc trên thế giới; có tinh thần quốc tế chân chính. Có niềm tin về sự phát triển từ thấp đến cao, từ lạc hậu đến văn minh của lịch sử nhân loại, lịch sử dân tộc để góp phần vào cuộc đấu tranh cho tiến bộ xã hội. Có những phẩm chất cần thiết nhất của người công dân: thái độ tích cực vì xã hội, tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng, yêu lao động, sống nhân ái, có kỉ luật, tôn trọng và làm theo pháp luật.